Home » » Quan điểm mới: Quyền sở hữu đất đai... không có ý nghĩa

Quan điểm mới: Quyền sở hữu đất đai... không có ý nghĩa

Quan điểm mới: Quyền sở hữu đất đai... không có ý nghĩa



Quan điểm mới: Quyền sở hữu đất đai... không có ý nghĩa

Frozen Cat
08/05/2023 08:05Phản hồi: 47
Quan điểm mới: Quyền sở hữu đất đai... không có ý nghĩa
Lời người dịch: Đây là một bài viết lý thú do trang tin công nghệ Wired đưa ra, quan điểm đánh giá lại các quyền về đất đai có thể gây ra nhiều tranh cãi trong thời đại ngày nay, tuy nhiên những luận điểm mà tác giả Jehan Azad của Wired nêu lên rất sâu sắc và đáng để chúng ta tham khảo.

Trái đất là tài sản thừa kế chung, và việc thu lợi từ một nguồn tài nguyên chung là sai lầm.

Đất đai tách bạch với việc người ta làm trên đó


“KHÔNG AI ĐƯỢC COI LÀ MỘT NGƯỜI CHỦ ĐẤT TỐT” là tiếng kêu gào chung của những người thuê đất giận dữ. Trong tương lai, đạo đức truyền thống có thể cho rằng việc sở hữu đất đai đơn giản là sai.

Trong thời đại của chúng ta, sở hữu đất đai dường như là điều đương nhiên giống như việc sở hữu xe hơi hay nhà cửa. Và điều này mang ý nghĩa: Giả định chung là bạn có thể sở hữu bất cứ thứ gì một cách riêng tư với những ngoại lệ hiếm hoi là các vật phẩm chẳng hạn như võ khí nguy hiểm hay đồ tạo tác khảo cổ. Đặc biệt, ý tưởng kiểm soát lãnh thổ có một lịch sử lâu dài. Động vật, các lãnh chúa và các chính quyền đều làm điều đó, và quan niệm hiện đại về “lệ phí đơn” (fee simple) - tức là quyền sở hữu đất đai không hạn chế, vĩnh viễn, và tư nhân - đã tồn tại trong thông luật của Anh từ thế kỷ 13.

Song đến năm 1797, người cha lập quốc Hoa Kỳ Thomas Paine đã lập luận rằng “trái đất, ở trạng thái tự nhiên không được canh tác” sẽ luôn luôn là “tài sản chung của loài người," và do đó, các chủ đất nợ những người không phải chủ đất “sự mất mát đi quyền thừa kế có tính tất yếu của họ.”

Một thế kỷ sau, nhà kinh tế học Henry George nhận thấy rằng nghèo đói đang gia tăng bất chấp của cải tài sản ngày càng tăng lên và đổ lỗi chuyện này cho hệ thống sở hữu đất đai của chúng ta. Ông đề xuất rằng đất đai nên bị đánh thuế tới 100 phần trăm giá trị “không được cải tạo” của nó - chúng ta sẽ bàn đến vấn đề đó ngay sau đây - điều này cho phép giảm bớt hay bãi bỏ các dạng thuế má khác (chắc chắn là bao gồm thuế tài sản, nhưng cũng có khả năng là thuế thu nhập). Đề xuất của George đã trở thành tin giật gân. Cuốn sách của ông mang tên Progress and Poverty (Tiến bộ và Nghèo đói) đã bán được 2 triệu bản, và ông có 31 phần trăm phiếu bầu trong cuộc đua chức thị trưởng New York năm 1886 (nhưng chỉ về nhì, đứng trước sít sao chàng trai 31 tuổi Teddy Roosevelt với 27.5%, người sau này là Tổng thống thứ 26 của Hoa Kỳ; trong khi người thắng cử là Abram Hewitt với 41.2%, một đảng viên Dân chủ vì dân New York e ngại quan điểm của George lẫn của Roosevelt thuộc phe Cộng hòa).
image.jpg
Chân dung Henry George, được chụp không lâu sau khi ông viết cuốn Tiến bộ và Nghèo đói (1879) và hình vẽ ông đang tranh cử lần nữa chức Thị trưởng New York năm 1897 bởi Walter Russell, ngay trước khi ông qua đời. Nguồn: Wikipedia

George là một nhà cải cách, không phải một người cực đoan. Việc bãi bỏ quyền sở hữu đất không đòi hỏi hệ thống công xã ở một bên hoặc là săn bắt hái lượm ở bên kia. Đó là bởi vì đất đai có thể được tách bạch khỏi những việc chúng ta làm trên đó, cho dù đó là trồng trọt hay xây dựng các khối tháp. Thông thường, thuật ngữ "chủ đất" thường kết hợp quyền sở hữu đất thực tế với vài ba chức năng bổ sung: xây dựng các tòa nhà, cung cấp dịch vụ bảo trì và tạo sự linh hoạt để sống ở nơi nào đó trong ngắn hạn. Những dịch vụ bổ sung này rất có giá trị, nhưng chúng chiếm một phần nhỏ hơn bao giờ hết trong chi phí nhà cửa. Ở thành phố New York, 46 phần trăm giá trị của một ngôi nhà điển hình chỉ là chi phí của mảnh đất ngôi nhà được xây trên đó. Ở San Francisco nó là 52 phần trăm; ở Los Angeles, 61 phần trăm.

Góc nhìn then chốt trong quan điểm George là bạn có thể đánh thuế giá trị đất “chưa được cải tạo” một cách tách biệt với mọi thứ khác. Ngay bây giờ, nếu bạn cải thiện một phần nào mảnh đất (ví dụ: bằng cách xây dựng một ngôi nhà trên đó), bạn sẽ phải trả thêm thuế do giá trị tài sản của bạn tăng lên. Theo quan điểm của George, bạn sẽ phải trả thuế cho ngôi nhà của mình như đối với một lô đất trống tương đương ở cùng một địa điểm, bởi vì cả tòa nhà và lô đất trống đều sử dụng cùng một diện tích đất hữu hạn.

Ngày nay, quan điểm của George với tư cách là một phong trào chính trị đã bị đình trệ y như một bãi đất trống. Nhưng một ngày nào đó, chúng tôi tin rằng, mọi người sẽ thấy việc đánh thuế theo cách của George không chỉ hiệu quả về mặt kinh tế mà còn đúng đắn về mặt đạo đức.

Everybody_works_but_the_vacant_lot_(cropped).jpg
Quan điểm của George thường bị gắn liền với các phong trào yêu cầu quốc hữu hóa đất đai, đặc biệt là tại Ireland. Tuy nhiên, trong cuốn Tiến bộ và Nghèo đói, George không hề ủng hộ quan điểm quốc hữu hóa: “Tôi không đề xuất hoặc là thu mua hoặc tịch thu tài sản tư nhân về đất đai. Đầu tiên sẽ là bất công; thứ hai, là không cần thiết. Hãy để những cá nhân hiện đang nắm giữ nó vẫn giữ lại, nếu họ muốn, quyền sở hữu cái mà họ hài lòng gọi là đất của họ. Hãy để họ tiếp tục gọi nó là mảnh đất của họ. Hãy để họ mua và bán, truyền lại cho con cháu và cải biến nó. Chúng ta chắc chắn có thể để lại cho họ phần vỏ, nếu chúng ta lấy phần nhân. Không nhất thiết phải tịch thu đất đai; chỉ cần tịch thu tiền thuê đất.” Nguồn: Wikipedia

Quyền được sống là một dẫn xuất của quyền đối với đất đai

Quảng cáo


QUYỀN được sống nhìn chung được coi là quyền đầu tiên trong các quyền tự nhiên. Nhưng việc sinh sống đòi hỏi không gian vật lý—một thể tích ít nhất vài chục lít để cơ thể bạn chiếm giữ. Thật vô nghĩa khi tuyên bố rằng ai đó có quyền đối với một thứ gì đó nếu họ không thể đạt được các điều kiện tiên quyết cơ bản của thứ đó. Ví dụ, với tư cách là một xã hội, chúng ta nghĩ rằng mọi người đều có quyền được xét xử công bằng; vì bạn không thể có đúng nghĩa một phiên tòa công bằng nếu không có luật sư, nếu ai đó không đủ khả năng thuê luật sư, chúng ta sẽ cung cấp luật sư. Tương tự như vậy, ít nhất là trên hành tinh Trái đất, việc chiếm giữ không gian nhất thiết phải hàm ý với việc chiếm giữ đất đai. Các căn hộ ở tầng trên hoặc hầm ngầm vẫn cần có quyền đối với phần đất bên dưới hoặc bên trên chúng. Do đó, quyền được sống thực ra là dẫn xuất của quyền cơ bản hơn đối với không gian vật lý—và quyền đối với không gian là dẫn xuất của quyền đối với đất đai.

Vấn đề với quyền sở hữu đất là tất cả đã bị chiếm lấy. Rất lâu trước khi chúng ta ra đời, từng tấc đất có thể sinh sống được ở Hoa Kỳ đã được tuyên bố chủ quyền. Về mặt lịch sử, tính đạo đức của quyền sở hữu đất đai có lẽ được định hình bởi ý thức rằng luôn có thể tìm được nhiều đất hơn ở đâu đó. Vào những năm 1800, nhà báo Horace Greeley đã có câu nói nổi tiếng (khả năng là vậy) rằng "Washington [DC] không phải là nơi để ở. Giá thuê cao, thức ăn dở, bụi bẩn thật kinh tởm và đạo đức thì đáng trách." Giải pháp? “Đi về phía Tây, chàng trai trẻ, hãy đi về phía Tây và lớn lên cùng đất nước.” Trong khi một số người cho rằng hai câu đầu tiên vẫn đúng (các câu nói về Washington DC), thì không còn có thể đi về phía tây và khẳng định chủ quyền 160 mẫu Anh nữa (khoảng 0.647 cây số vuông, là con số được đưa ra trong Đạo luật Homestead).
doc-031-big.jpg

Đạo luật Homestead (1862), mà nó đẩy nhanh quá trình định cư ở lãnh thổ phía tây bằng cách cấp cho những người đứng đầu gia đình trưởng thành 160 mẫu đất công đã được khảo sát với mức phí nộp đơn tối thiểu và 5 năm cư trú liên tục trên mảnh đất đó. Nguồn: National Archives

Tất nhiên, ngày nay chúng ta cũng không thể nhìn vào những câu nói đó mà không cảm thấy phẫn nộ trong lương tâm (nghĩa là, điều tệ thì vẫn đúng và càng đúng nhưng điều tích cực thì không còn đúng nữa). Trên thực tế, mảnh đất mà những người chủ nhà chuyển đến không phải là không có người nhận chủ quyền. Người Mỹ Bản địa đã sống và quản lý vùng đất đó qua nhiều thế hệ. Đây là lời nhắc nhở về một sự thật quan trọng: Hầu hết những người sở hữu đất đai ngày nay đều là con cháu, người thừa kế hoặc phe đối địch của những người cũng đã chiếm lấy đất đai đó bằng võ lực. Thêm vào đó, không ai làm ra nó, và như Mark Twain từng (có lẽ không bao giờ) nói, “họ không làm ra nó nữa.”

image (1).jpg
Điều tệ còn mãi nhưng điều tốt đã lùi xa: Washington DC, hay bất kỳ thành phố lớn nào khác trên thế giới vẫn ô nhiễm và giá cả leo thang nhưng những ngày tươi đẹp của công cuộc khai phá miền Viễn Tây bao la đã kết thúc từ lâu.

Quảng cáo


Thực tế rằng tất cả chúng ta đều cần đất để sống và không còn đất có sẵn nữa, là mấu chốt của sự thiếu đạo đức trong việc thu lợi từ nó. Bạn đang cho ai đó thuê lại quyền của họ, thứ mà họ đúng ra luôn có.

Nếu bạn sống ở một nơi có nước uống được từ vòi, ta có thể cho là ổn khi tìm những người có tiền để tiêu và bán cho họ loại nước máy tương tự trong những chai nhựa đẹp mắt (mà quả thật nước đóng chai trong hầu hết trường hợp chỉ là nước máy tại vòi). Nhưng nếu bạn đang ở trong sa mạc và có một ốc đảo tự nhiên, và bạn rào lại ốc đảo đó và bán nước của nó cho người dân địa phương với giá họ có thể mua được, thì đã có điều gì đó không ổn. Sở hữu đất để cho người khác thuê cũng tương tự như vậy. Chúng ta có thể coi việc cho thuê đất giống như một loại thuế khoán (poll-tax, là loại thuế có giá trị cố định đánh vào mọi cá nhân) yêu cầu người ta phải trả tiền trước khi họ được bỏ phiếu: Đó là việc chặn cửa, kìm hãm quyền tự nhiên của ai đó, biến quyền (right) thành đặc quyền mua được bằng tiền (purchased privilege), có thể hiểu là trả tiền mới được sống bình thường.

Con người đã chịu gánh nặng nợ ngay từ khi sinh ra


Mọi người ngày nay được sinh ra với một loại nợ hiện hữu. Kể từ thời điểm bạn xuất hiện, bạn đang ở trong một không gian thuộc về ai đó khác và từ đó trở đi, tiền được chi tiêu hàng ngày để bạn có quyền tiếp cận vào không gian mà bạn cần để tồn tại (ví dụ dễ thấy là chi phí nuôi con ngày càng đắt đỏ, ngay cả khi chỉ xét về khoản ăn uống, và đứa trẻ đó cùng cha mẹ sống trong phòng trọ tồi tàn). Quyền sở hữu đất đai, và hệ thống đi kèm là bán đất và cho thuê đất, chỉ đơn thuần cho phép một số người kiếm tiền bằng cách canh gác một nguồn tài nguyên không thuộc về ai trong chúng ta, và cũng không ai có quyền với nguồn tài nguyên đó hơn ai. Các nhà kinh tế gọi đây là “rent seeking” (thuật ngữ kinh tế học chỉ việc một người tìm cách làm giàu mà không sản xuất ra của cải vật chất thực sự), và hầu hết chúng ta gọi nó là “trái luân lý”.

66B77ca4e3a621f878b7.jpeg
Căn phòng trọ điển hình của một gia đình công nhân với hai đứa trẻ, gần các khu công nghiệp Việt Nam. Đặc biệt trong các gia đình nghèo thì khi một đứa bé được sinh ra, đã ở trong không gian của người khác, và tiếp tục sinh sống trong một loạt các không gian của người khác, kể cả trong thời niên thiếu, khi trưởng thành và già đi. Đi kèm đó là hàng loạt chi phí chỉ để duy trì sự sống, bao gồm chi phí thuê mướn nhà. Đây là hình ảnh tiêu biểu của khái niệm “rent seeking”: người cho thuê đất kiếm lợi nhưng không thực sự tạo ra của cải và người tạo ra của cải lại trả tiền để có quyền sử dụng mảnh đất có căn phòng trọ. Nguồn: báo Lao động.

Trong vài thế kỷ vừa qua, một phần lớn tiến bộ về mặt đạo đức là một loạt sự phản đối với những gì con người đã từng có thể sở hữu một cách hợp pháp—mà trong số đó kinh khiếp nhất là, những người là một phần của chế độ nô lệ và những người vợ như là tài sản của chồng họ, ngoài ra còn các loài động vật bị đe dọa, di tích văn hóa, và các bộ phận cơ thể con người (những đối tượng từng được coi như tài sản hợp pháp). Xã hội đang đánh giá lại ý nghĩa của việc sở hữu: những thứ không được sở hữu và những thứ nên sở hữu. Con cháu của chúng ta cũng sẽ có trải nghiệm kinh hoàng về mặt đạo đức đã quá phổ biến đó khi họ đọc về lịch sử lâu đời của việc tin rằng vì đất đai có thể bị chiếm đoạt bằng bạo lực, bị rào lại và kiểm soát nên việc làm như vậy là đúng đắn.

Để xem tương lai sẽ nhìn nhận mô hình sở hữu đất đai hiện tại của chúng ta như thế nào, chúng ta có thể nhìn vào quan điểm của thời nay về chế độ phong kiến. Lãnh chúa phong kiến không tự mình tạo ra vùng đất, nó đã được chuyển nhượng bởi một số thế lực đang chiếm ưu thế, mà họ đã lấy nó từ ai đó khác, cho đến khi những người khác nữa lại chiếm lấy nó bằng vũ lực. Trong khi đó, một nông nô được sinh ra đã “gắn liền” với đất đai, và bị mắc kẹt trong việc đền bù cho lãnh chúa vô thời hạn về không gian lẽ ra phải là của họ. Việc cho phép một người nông nô lựa chọn, chẳng hạn giữa hai lãnh chúa khác nhau—hoặc 10, hoặc 100—sẽ không thay đổi bất kỳ sự thật căn bản nào. Bản chất của việc sinh ra trong nợ nần luôn hiện hữu đơn giản khiến chúng ta thấy sai lầm.

Theo một số cách, tình hình trong thời hiện đại của chúng ta còn tồi tệ hơn vì nó mang tính tự nguyện (opt-in). Trong thời phong kiến, các lựa chọn thay thế cho quyền sở hữu đất đai là vô cùng nghiệt ngã, và đất đai về cơ bản là loại tài sản sẵn có duy nhất mà nó thực sự gia tăng giá trị. Một lãnh chúa phong kiến có thể đã lựa chọn giữa việc tham gia vào hệ thống, tức là trở thành chủ đất hoặc mạo hiểm phó thác gia đình họ cho số mệnh bằng cách chấp nhận làm nông nô. Nhưng trong nền kinh tế hiện đại của chúng ta, một nhà đầu tư vào đất đai đang chọn nó thay vì vô số các khoản đầu tư khác mang lại lợi nhuận tốt và không vi phạm quyền của người khác. Và quyền sở hữu đất “fee simple” chỉ là một trong nhiều mô hình khả thi, một phát minh tương đối gần đây và mang tính ngẫu nhiên. Trên thực tế, có rất nhiều nhóm nhỏ trong thế giới gồm các xã hội hiện đại thành công của chúng ta coi giá trị của đất đai là hàng hóa công cộng. Ví dụ, ở Singapore, 3/4 diện tích đất thuộc sở hữu công và được cho người dân thuê với thời hạn cố định, thường là 99 năm, với các phần mở rộng hơn nữa được mua từ Cơ quan quản lý đất đai Singapore (Singapore Land Authority).

main-qimg-ae1a64e39f571a4c19a48ba3813a3a7c.jpg
Trong thời phong kiến, việc làm chủ một mảnh đất hay làm nông nô được coi là số mệnh và không phải là quá tệ. Vì bối cảnh của thời phong kiến là rất ngặt nghèo, người ta chỉ có một trong hai lựa chọn, nên đó không phải là sự tự nguyện mà đơn thuần là tình thế bắt buộc.

Thuế giá trị đất khuyến khích việc cải tạo thay vì chỉ nắm giữ


Các phương pháp đánh giá hiện đại đã làm cho quan niệm của George trở nên thực tế hơn bao giờ hết. Chúng ta có thể tính toán giá trị chưa được cải tạo của bất kỳ mảnh đất nào, sau đó đánh thuế giá trị chưa được cải tạo ở mức gần bằng 100% giá thuê hàng năm của nó. Thứ này, được gọi là thuế giá trị đất đai (land-value tax), thực sự tương đương với việc người chủ đất đi “thuê” đất từ những người khác. Điều này có nghĩa là thuế chỉ được dựa trên giá trị của chính mảnh đất, thay vì bất cứ sự cải tạo nào thực hiện bên trên nó, chẳng hạn nhà cửa hay các cấu trúc khác.

Trong một ví dụ được tờ Wall Street Journal đưa tin, một khu đất trống ở Austin, Texas, trả khoảng một nửa thuế bất động sản trên mỗi mẫu Anh so với tòa nhà chung cư gần đó. Theo thuế giá trị đất, cả hai bất động sản sẽ phải trả cùng một khoản thuế cho việc sử dụng cùng một diện tích đất. Lợi ích của hệ thống này nằm ở chỗ việc cải tạo đất đai được khuyến khích, vì nó làm tăng doanh thu của chủ đất nhưng không làm tăng gánh nặng thuế của họ, trong khi việc chỉ nắm giữ miếng đất để đầu cơ không được khuyến khích, điều này giải phóng nó cho những người khác. Thuế giá trị đất đai đã được ghi nhận là đã giảm gần 90% các tòa nhà bỏ trống ở Harrisburgh, Pennsylvania.

Điều gắn kết các lựa chọn này với nhau—và là điều sẽ hợp nhất các hệ thống thành công trong tương lai—là chúng cho phép mọi người có quyền sử dụng đất đai vững chắc và để họ kiếm lợi từ việc cải tạo đất, nhưng chúng không để mọi người kiếm lợi từ sự tồn tại đơn thuần của một nguồn tài nguyên chung thuộc về tất cả mọi người và không của riêng ai.

Đáng ngạc nhiên là Thomas Paine đã khẳng định chính xác điều đó vào năm 1797: “Con người không tạo ra trái đất… chỉ có giá trị của sự cải thiện, chứ không phải bản thân trái đất, mới là tài sản cá nhân. Do đó, mọi chủ sở hữu đất canh tác đều nợ cộng đồng tiền thuê mặt bằng… cho mảnh đất mà anh ta nắm giữ."

Lược dịch từ bài viết của tác giả Jehan Azad, Wired
47 bình luận

Bài nổi bật

Xu hướng

5sao
30-40 năm trước nếu lấy vợ lập gia đình có quyền tìm 1 mảnh đất dựng căn nhà tuỳ khả năng ! Vợ chồng làm ăn sinh con đẻ cái! Bây giờ trưởng thành lập gia đình bơ vơ ở nhờ ở thuê có người cả đời ko có nhà để ở !
A6_YoonA
TÍCH CỰC
20 giờ
@tieutangbuongbinh Về quê hay miền núi vẫn đầy, vấn đề mn đang nhìn ở đây là MUA NHÀ Ở THÀNH PHỐ LỚN. Ai cũng muốn có nhà ở thành phố lớn thì chuyện đắt là đương nhiên, nhìn sang các nước như Sing, Hàn, Tàu, HongKong thì nước mình bđs còn chưa bằng nữa. Sing 1 căn chung cư đã hơn 1 củ $. Hong Kong thôi khỏi nói rồi.
@tieutangbuongbinh Tui lấy vợ hơn 40 năm trước nè!
Đồng ý với bạn ở chổ : "có quyền tìm" ;
nhưng mà có "tìm thấy?" và "tìm thấy" rồi "tùy khả năng" thì "Bây giờ trưởng thành lập gia đình bơ vơ ở nhờ ở thuê có người cả đời ko có nhà để ở"!

p/s: Tui, hơn 40 năm lấy vợ lập gia đình rồi, cũng mãi đi tìm do :"có quyền tìm 1 mảnh đất dựng căn nhà";
Nhưng "tùy khả năng" mãi đến bây giờ, một cục đất để ném chim tui vẫn chưa có quyền sở hữu.
magez
TÍCH CỰC
7 giờ
@A6_YoonA thôi đi thím ạ, đất ở quê giờ thổi giá cũng kinh lắm, do bọn cò đất buôn đất cứ thổi lên cả chục năm rồi, giờ ko thể xuống dc đâu.
Còn ở thành phố lớn mới có việc làm, nên nhu cầu người ta mua ở đó là đúng rồi.
Sing có chính sách hỗ trợ người dân mua nhà nhé, người trẻ sở hữu nhà bên đó ko quá áp lực do lãi vay thấp, với cũng do họ chống đầu cơ đất rất tốt, thuế đánh vào bds thứ 2 trở đi rất cao
ô kìa, tức là tài sản của người sở hữu là ngta không được quyền khai thác bằng cách cho thuê à?
thuê nhà hầu hết do làn sóng di cư, di dân, dẫn đến không có nơi ăn chốn ở mới phải thuê, vậy sao không ở lại quê hương?
việc người có tài sản là đất ở thành phố có may mắn hơn người ở quê, nhưng điều này không có nghĩa là họ có lỗi.
đòi như tư bản, mà chính sách đất đai lại đòi kiểu xhcn thì đúng là tiêu chuẩn kép quá đi mà.
cái gì có lợi cho người thì nói đến đạo đức, còn lợi cho mình thì mặc nhiên đó là đúng vậy, là thứ tư duy gì kì lạ quá?
@visaodemroi Cho nên tác giả mới đề xuất đánh thuế giá trị đất đai (land-value tax) đó bạn, nó tương đương với việc người chủ đất đi “thuê” đất từ những người khác, nếu muốn bớt thuế thì họ phải cải tạo nó càng nhiều càng tốt thay vì để hoang hóa hoặc bỏ trống, nghĩa là nó khuyến khích việc cải tạo đất. Bạn để ý sẽ thấy thuế này áp dụng nhiều ở các nước Âu Mỹ. Nói chung mỗi quan điểm đều có ưu khuyết riêng của nó đó bạn.
Không ở đâu có luật tài sản đất đai minh bạch rõ ràng bằng Việt Nam 😌😌😌
@NghiepTranVINA
Cười vô mặt
Có 2 loại đầu tư: đầu tư tăng lãi vốn và đầu tư vì dòng tiền. Thuế sẽ nhắm vào nhà đầu tư tăng lãi vốn như đầu tư sang tay, mua bán đất nền, mua cái chuồng gà 1 tỏi bán 4 tỏi. Thuế sẽ ưu đãi cho ndt dòng tiền, cho thuê, làm ăn trên bds. Oái ăm ơ chỗ người trung lưu thường là ndt lãi vốn nên thuế chồng thuế khi họ bán bds. Người nghèo sẽ gặp tiếp khó khăn khi giá thuê nhà tăng cao vì phải cõng thêm các loại thuế mới. Ah và khi người trung lưu phải cắt lỗ thì khi ấy ngưòi giàu lại dc sale off
@CaVangBungBu Cũng đang định cmt như vậy 😁 tạo giá trị bằng cách đầu tư dòng tiền sẽ bền vững hơn thay vì chơi sổ xố với cách đầu tư lãi vốn (mà bản chất lâu dài là 0-sum-game)
hppl
TÍCH CỰC
một ngày
ở VN làm gì có quyền sở hữu đất đai ,chỉ có quyền sử dụng thôi ,khi nào nhà nước cần thì lấy lại hết ( ko thì "cướp") ,thằng nào mạnh thì có tất cả
Hun cái nè
@hppl Bất chợt có con đường chạy qua nhà bạn thì nhà bạn ra đường
minhleo369
ĐẠI BÀNG
10 giờ
@hppl Nói nhỏ thôi bro : ))
@hppl "Sở hữu của toàn dân, NN quản lý" - nghe câu này nó bull-"xịt" gì đâu. Nói túm lại là : Méo có quyền tư hữu với đất đai. Thích là đưa vô quy hoạch, ịn con dấu mật vào thì ra đường cả nút.
hầu hết những quốc gia chưa công nhận sở hữu tư nhân đất đai như Bắc Triều Tiên, Lào, TQ ... đều chưa thuộc nhóm giàu
A6_YoonA
TÍCH CỰC
20 giờ
@tkdang Vl TQ chưa giàu thì thằng nào giàu nữa, mà cũng chả cần nó công bố bản đồ Sao Hoả rồi, chắc phân lô xong rồi, sau cho dân lên là đẹp 😆
magez
TÍCH CỰC
7 giờ
@tkdang còn nốt Đông Lào sao ko kể luôn? 🤔
VN không công nhận quyền sở hữu đất đai vì nó mang tính chính danh và lịch sử. Một trong những lý do chính nổ ra Cách Mạng Tháng 8 đó chính là lật đổ tư sản & địa chủ, chia lại đất đai cho dân cày, bây giờ nếu để cho tư nhân sở hữu đất đai thì khác gì đi ngược lại tính chính danh của chính phủ? Cũng giống như ở Mỹ, việc sở hữu súng đạn được ghi nhận vào những trang đầu tiên của hiến pháp Hoa Kì, thế cho nên chính phủ Mỹ chỉ có thể giới hạn sử dụng súng đạn chứ không thể cấm.
@gauto988 Vì mang danh gc vô sản ăn lương vô sản chứ CT với TT... ăn lương ngang mình thì bị chửi "vô sản biến chất". Nên phải tham nhũn thôi chứ các vị toàn cao cấp ní nuận cả.
Khi thang lương vô sản cứ giữ vậy thì tụi loi choi ra làm kĩ sư lương cứ hệ số 3.4 nhân tối thiểu vùng mãi thôi
A6_YoonA
TÍCH CỰC
20 giờ
@T.NC Ko muốn làm hệ số thì làm tư nhân đi, muốn làm công việc theo ý thích mời sang Triều Tiên. Ở Triều Tiên người dân được đăng ký ngành nghề mình muốn làm và nhà nước sẽ sắp xếp công việc phù hợp với nguyện vọng.
magez
TÍCH CỰC
7 giờ
@gauto988 Chứ ko phải giờ để sở hữu tư nhân thì cán bộ ko cướp đất được à 🙂
@magez Bậy! Hết sức bậy!!
Cán bộ nào cướp đất???
CB chỉ quy hoạch đất thôi. Còn mua đất trước quy hoạch là bà con, thân tộc của CB 😁
kimquan
ĐẠI BÀNG
một ngày
Bài này rất vớ vẩn kiểu bê bô một chiều , úp sọt chủ quan cho các quan điểm khác,.. Nói chung là mình thì thích tư hữu nhưng lại muốn người khác phải theo công hữu... 👌
wingzero
ĐẠI BÀNG
21 giờ
@kimquan Mình chưa hiểu rõ lắm về phản biện của bạn và rất mong bạn nói cụ thể hơn. Diễn đàn tinhte nói riêng và mọi cuộc trao đổi thảo luận nói chung đều rất cần những quan điểm trái chiều như của bạn để khách quan và đa chiều hơn. Tuy nhiên nếu bạn có thể giải thích hoặc đưa ra 1 vài dẫn chứng để làm rõ thì càng tuyệt vời.
wingzero
ĐẠI BÀNG
21 giờ
Tinhte càng ngày càng nhiều bài viết chất lượng. Phong cách tương đồng với những diễn đàn nổi tiếng trên thế giới và được đánh giá cao về chất lượng nội dung. Vừa rộng và vừa sâu. Dần dần có cảm giác mỗi ngày vào tinhte thành thói quen của mình. Giống như việc tranh thủ nghe podcast những khi rảnh.
@wingzero tỉ lệ bài chất lượng đang giảm dần theo thời gian thì đúng hơn đó bạn hiền, hiện giờ đang có nhiều xu hướng chính trị hóa hơn, thiên về cay cú ăn thua, đả kích thậm chí là chửi bới nhau chỉ vì khác quan điểm. Bạn có thể thấy rõ qua các bài về IP - SS, AMD - Intel, Nga - TQ - Mỹ
minhleo369
ĐẠI BÀNG
10 giờ
@lightingbolt Mình cũng cảm nhận được như vậy. Ở diễn đàn còn đỡ, lên FB thì thôi rồi luôn.
Nhưng mà mặt bằng chung thì đọc Tinh Tế vẫn tốt hơn đọc vnexpress, Zing, Tiktok ...
@minhleo369 Mình đã bỏ theo dõi FB tt vì quá toxic, còn TTok thì k xem, Zing hay kenh14 này nọ cũng thế, VNExpress, tuổi trẻ, thanh niên... thì xem các tin chính về khoa học xã hội, bỏ xem các mục về showbiz hay sao xẹt
@wingzero Ngày càng ít chất lượng thì đúng hơn!
@minhleo369 Ít nhất là itinhtuong còn cho bạn được nói ngược chiều dù cũng nhiều cái chơi không đẹp 😆
Vớ va vớ vẩn. Tiêu chuẩn kép, muốn làm cha thiên hạ
Madhit
ĐẠI BÀNG
19 giờ
Bài này coi chừng bị phong sát
Đất thì hữu hạn. Lòng tham con người thì vô hạn. Bài viết thú vị nhưng lý thuyết này chưa thành hiện thực cũng là có lý do.
Người ta từ khi có mặt trên trái đất này đã có hành động xâm lấn, chiếm đất của người khác. Hầu hết các cuộc chiến tranh đều có nguyên nhân từ ( xâm chiếm ) đất đai. Tiếng Việt thật hay. Đất đi chung với đai ( die ) mà haha…Bao nhiêu đại gia đang vô lò cũng vì đất. Các cuộc chiến hiện tại trên thế gian này cũng vì ( những tài nguyên dưới/ trên ) đất.
Loài người, nói cho cùng, cũng như các loài động vật khác thôi. Tranh ăn. Tranh lãnh thổ. Tranh quyền lực. Dù rốt lại, ai cũng trở thành cát bụi, cũng trở thành phân bón.
@schtroumf Giặc xâm lược ta thì ta gọi là giặc ngoại xâm, ta đi xâm lược thì ta gọi là mở mang bờ cõi.
Vumep73
ĐẠI BÀNG
12 giờ
Tập trung vào sản xuất kinh doanh, mới là con đường đúng đắn, hãy nhìn sang hàn và nhật. Bẫy thu nhập trung bình đang sập lại, với tốc độ già hóa dân số đang tăng, thật sự đáng buồn... Bây giờ mình cũng không kỳ vọng nhiều về 2 chữ ''Hùng cường'' nữa, chỉ cố gắng kiếm tiền và dạy dỗ con cái tốt để sau này cho nó đến những nơi tốt hơn. Không có tai nạn giao thông, ung thư, bất công xã hội.
@Vumep73 Nơi nào thế nói cho mọi người biết được k b?
Vumep73
ĐẠI BÀNG
9 giờ
@Trung Cẩu Bí mật bác ơi, nói ra cái ''cột điện'' biết đc là nó chạy mất đấy.
@Vumep73 Thì vậy thôi. Chứ biết mần răng chừ?
giờ mới nhìn thấy bài này, 5* cho em nha
Bài viết ngớ ngẩn nhất từng được đọc 😆
Giờ đưa thằng viết bài tờ quyết định thu hồi đất giá 50k/m2 là nó viết bài mới ngay mà
Đất đai là 1 tài sản đặc biệt, do nó là 1 phần của bề mặt trái đất, là không gian tồn tại, nên không thể hiểu sở hữu đất đai giống như sở hữu cái xe, cái máy tính, cái điện thoại, cái bàn ghế được.
@nghaimin Bạn là một nhân tài! Tại sao Ban TGTW không tuyển bạn nhỉ? Thật là uổng phí tài năng của đất nước!
Xã hội nào dù có nói thẳng hay che đậy thì luôn được lập ra dựa trên sự bất bình đẳng về của cải hoặc địa vị thôi. Có sự chênh lệch giàu nghèo thì mới có sự cố gắng sự học hỏi. Còn cái xã hội lý tưởng đánh đồng chia đều mọi thứ thì mn cũng biết kết quả là gì. Chỉ có 1 cái công bằng là sự cố gắng thôi, người ta cố học cố kỷ luật phát triển thì nta giàu vậy thôi. Giờ là thế kỷ 21 mà đem mấy cái tư tưởng thế kỷ 18 ra áp vào thì thua rồi và tiêu chuẩn kép luôn là cốt lõi của Mỹ và phương Tây nên tụi nó chỉ muốn quốc hữu khi có lợi cho tụi nó thôi chứ ở đó mà tốt cho loài người

Xu hướng

Bài mới









    • Chịu trách nhiệm nội dung: Trần Mạnh Hiệp
    • © 2023 Công ty Cổ phần MXH Tinh Tế
    • Địa chỉ: Số 70 Bà Huyện Thanh Quan, P. Võ Thị Sáu, Quận 3, TPHCM
    • Số điện thoại: 02862713156
    • MST: 0313255119
    • Giấy phép thiết lập MXH số 11/GP-BTTTT, Ký ngày: 08/01/2019
    Share this article :

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét